Là một trong những hợp tác xã (HTX) đi đầu trên địa bàn tỉnh trong việc liên kết với bà con nông dân, từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương đã xây dựng thành công mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ khâu nuôi, trồng đến chế biến, theo hướng từ trang trại đến bàn ăn. Hiện nay, HTX có 3 cửa hàng giới thiệu và bán hơn 400 sản phẩm OCOP là nông sản đặc trưng của các địa phương. Đặc biệt, các sản phẩm trong tỉnh đều do HTX trực tiếp liên kết với bà con để sản xuất và tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi đang triển khai các chuỗi liên kết với các hộ dân, khi người dân sản xuất ra sản phẩm, HTX sẽ bao tiêu. Trong quá trình triển khai, chúng tôi sẽ cung ứng đầu vào, có các hợp đồng liên kết bao tiêu đầu ra cho bà con. HTX đã duy trì được nguồn hàng thường xuyên và cung cấp cho đối tác trong và ngoài tỉnh".
Ông Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương (thứ 2 từ trái sang) kết nối Công ty trồng và thu mua nông sản Hàn Quốc khảo sát trồng cây bắp cải tại xã Khau Tinh (Na Hang).
Liên kết sản xuất đã đem lại hiệu quả thiết thực giúp nâng cao nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần nâng cao thu nhập. HTX chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) đã xây dựng được 2 chuỗi liên kết được đánh giá là chắc chắn và bền vững nhất Sơn Dương hiện nay, giúp người nông dân không còn canh cánh nỗi lo “giải cứu nông sản” khi thị trường gặp biến cố bất ngờ.
Anh Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm cho biết: HTX được thành lập vào năm 2017 với 16 thành viên, thực hiện 2 chuỗi liên kết chăn nuôi, sản xuất giống gia cầm và chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ dưa chuột. Đến nay, HTX có gần 40 thành viên tổ chức sản xuất và ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ dưa chuột với trên 1.200 hộ trồng và 170 ha dưa chuột trên địa bàn tỉnh. HTX cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người trồng theo hợp đồng ký liên kết. Hằng năm doanh thu của HTX đạt trên 2,8 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 1 tỷ đồng.
Là một trong những hộ tham gia trồng dưa chuột liên kết, anh Đoàn Văn Nghĩa, thôn Gò Hu, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) cho biết: Vụ đông xuân 2025, gia đình anh được HTX Minh Tâm vận động trồng dưa chuột. Trong đó HTX hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho gia đình theo giá thị trường. Vụ vừa rồi, gia đình anh trồng hơn 20 sào, năng suất đạt hơn 1,1 tấn/sào với giá thu mua 6.000 đồng/kg, thu lãi 5 triệu đồng mỗi sào. Từ trồng dưa, gia đình thu lãi khoảng 100 triệu đồng mỗi vụ.
Trang trại của HTX Chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương)
Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 118 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đang triển khai, thực hiện hiệu quả. Các sản phẩm tham gia liên kết bao gồm mía, dưa chuột, ớt, ngô, chè, cà gai leo, cây gai xanh, gia súc, gia cầm... Các mô hình, dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển HTX, xây dựng sản xuất tập trung... đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của tỉnh và tình hình sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và sản phẩm nông sản của nông dân, đời sống được nâng lên.
Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp, HTX thực hiện chuỗi liên kết sản xuất để giúp người dân địa phương tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh sản xuất. Đồng thời, quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ các HTX được tiếp cận các nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật, lồng ghép các nguồn kinh phí hoạt động khoa học công nghệ, khuyến công, khuyến nông thực hiện các mô hình gắn với điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX. Các đơn vị, địa phương cũng đã tìm các doanh nghiệp tiềm năng cùng phối hợp với nông dân trên địa bàn thực hiện các chuỗi liên kết hiệu quả.
Để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, HTX cần chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom, chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc. Các đơn vị, địa phương cần tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch, từ đó mới đảm bảo tính bền vững trong liên kết.
Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh