Theo báo cáo của Sở Công Thương, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 58,876 km đường dây 35kV, 24 trạm biến áp, 86,7 km đường dây hạ thế cấp điện cho trên 4.000 hộ dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, với tổng mức đầu tư gần 114 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương gồm: Công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho các xã: Đạo Viện, Tiến Bộ, Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn); Trung Hà, Xuân Quang, Tri Phú, Tân Mỹ (Chiêm Hóa); Sơn Phú (Na Hang); Yên Phú, Yên Thuận (Hàm Yên). Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu 100% các thôn, bản trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Cán bộ Điện lực hướng dẫn người dân thôn Vàng On, xã Trung Minh (Yên Sơn) sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
Để có được kết quả này, Sở Công Thương, ngành Điện lực, các đơn vị thi công đã không quản ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công, vừa đảm bảo chất lượng công trình, vừa đảm bảo tiến độ đề ra. Trong số này, có những công trình thi công ở địa hình đồi núi hiểm trở, gặp trở ngại do thời tiết nhưng với quyết tâm cao nhất đem ánh sáng của điện lưới quốc gia đến với người dân sớm nhất, các công trình đều về đích đúng hẹn trong niềm phấn khởi của Nhân dân.
Đồng chí Triệu Văn Nhất, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bản Tàm, xã Sơn Phú (Na Hang) cho biết: Trước năm 2022, khi chưa có điện lưới quốc gia Bản Tàm là thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của xã Sơn Phú (Na Hang). Thế nhưng từ năm 2022, khi Nhà nước đầu tư công trình điện lưới quốc gia, gần 100 nóc nhà người Dao Đỏ nơi đây đã bừng sáng. Có điện lưới, các hộ dân có thể sử dụng ti vi, tủ lạnh… cuộc sống sinh hoạt thuận tiện hơn. Người dân tự học tập, tự áp dụng các phương pháp chăn nuôi mới qua ti vi, Internet nên giờ đây ở Bản Tàm nhiều mô hình chăn nuôi lợn đen, gà đồi với quy mô từ 20 đến 30 - con/hộ xuất hiện ngày càng nhiều. Không chỉ có vậy, người dân còn đầu tư khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc rừng, nuôi cá lồng, đặc biệt là cá lồng đặc sản. Từ khi có điện lưới, Bản Tàm đã xóa được 26 hộ nghèo.
Đồng chí Hà Văn Đức, Chủ tịch xã Sơn Phú (Na Hang) chia sẻ: Từ khi có điện lưới quốc gia do Nhà nước đầu tư, người dân đã đẩy mạnh ứng dụng mạng xã hội, Internet để quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và nông sản như chè Shan tuyết, rượu ngô, mật ong, măng khô... Thiết chế văn hóa tại các nhà văn hóa thôn từ khi có điện cũng được Nhân dân xã hội hóa trang cấp đủ đầy, phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân.
Người dân thôn Vàng On, xã Trung Minh (Yên Sơn) lần đầu được sử dụng điện lưới quốc gia.
Còn tại xã Yên Thuận (Hàm Yên), đồng chí Ma Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Yên Thuận cho hay: Điện lưới quốc gia đã làm thay đổi đời sống của người dân Yên Thuận nhiều lắm, kể cả những thôn khó khăn nhất như Khau Làng, Cao Đường. Từ khi có điện lưới, Nhân dân đầu tư máy móc, học tập và ứng dụng khoa học nhiều hơn vào nông, lâm nghiệp. Nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng chanh tứ thì trên đồi cho thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng/ha; mô hình trồng cam V2, cam sành thu nhập 170 - 250 triệu đồng/ha; mô hình trồng chè đạt 100 triệu đồng/ha... Việc quảng bá văn hóa, nét đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã, phát triển du lịch cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhờ đó đã góp phần đẩy lùi một số tập tục trong đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nếp sống văn hóa mới.
Trưởng thôn Vàng On, xã Trung Minh (Yên Sơn) Giàng Seo Sính chia sẻ: Vàng On là thôn đặc biệt khó khăn của xã Trung Minh, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 75%, cao nhất xã. Thôn hiện có 105 hộ dân với hai dân tộc chính là Mông và Dao cùng sinh sống; trong đó dân tộc Mông chiếm khoảng 80%. Trong suốt nhiều năm qua, thôn không có điện lưới quốc gia nên cuộc sống càng gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2025, công trình cấp điện về thôn Vàng On đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui khôn xiết của người dân trong thôn. Có điện lưới quốc gia, ước mơ nhà nhà đều lung linh trong ánh sáng của bà con đã trở thành hiện thực.
Ông Tráng Trưởng Lương, thôn Vàng On cho biết: Trước đây không có điện, việc phát triển kinh tế cũng như tiếp nhận thông tin gặp rất nhiều khó khăn, những vật dụng như: tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện… thật xa lạ với bà con. Nay có điện lưới, cuộc sống của bà con sẽ đổi thay, tiện nghi hơn, trẻ con học hành cũng tiến bộ hơn. Được tiếp cận những thông tin qua ti vi, mạng internet…, người dân được mở mang kiến thức, thay đổi tư duy xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hơn.
Những công trình điện lưới quốc gia từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước ở địa bàn các thôn đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã khẳng định nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống mọi mặt của người dân, tạo động lực để người dân phát triển kinh tế - xã hội, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương./.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh