Sát sao trong chỉ đạo điều hành
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Giai đoạn 2021-2024 các cơ quan đã tham mưu cho tỉnh ban hành: 17 Nghị quyết của HĐND tỉnh, 84 Quyết định, 18 Kế hoạch của UBND tỉnh. Các sở, ngành của tỉnh đã thường xuyên phối hợp với cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cấp huyện và Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới cấp huyện và các xã đã được phân công phụ trách để nắm bắt thông tin về tình hình thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc tổ chức thực hiện tại địa phương, nhằm thực hiện tốt các nội dung của Chương trình.
Để thực hiện hoàn thành Kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc hoàn thiện, phấn đấu có thêm các xã về đích nông thôn mới thì việc duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn cũng được các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Tại các kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm của tỉnh, việc thực hiện duy trì, củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn luôn được xác định là một trong những nội dung để tổ chức thực hiện.
Người dân xã Minh Hương (Hàm Yên) chăm sóc tuyến đường hoa tại địa phương
Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh có Văn bản số 22/BCĐ- VPĐP ngày 15/11/2023 gửi Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các huyện, thành phố về việc tập trung chỉ đạo duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng tiêu chí trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó đề nghị các huyện, thành phố thực hiện rà soát và xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể trong việc duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đảm bảo hoàn thành mục tiêu được giao. UBND huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để thực hiện Chương trình hàng năm, trong đó có việc duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới tại các xã đã đạt chuẩn trên địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới nhằm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; thông qua đó phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Quá trình tổ chức thực hiện, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh; UBND cấp huyện, cấp xã đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc trong thẩm định, kiểm tra, trả lời, giải trình những vấn đề nhân dân còn băn khoăn, kiến nghị, có mức độ hài lòng chưa cao. Kết quả đánh giá sự hài lòng của nhân dân là một căn cứ, cơ sở để các cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Kết quả tích cực
Đến tháng 4/2024, toàn tỉnh có 74/122 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới (chiếm 60,65%). UBND tỉnh đã có quyết định công nhận 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt bình quân đạt 15,67 tiêu chí/xã; tổng số Thôn mẫu: 47 thôn; tổng sỗ Vườn mẫu nông thôn mới: 148 vườn. Thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1666/QĐ-TTg ngày 05/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhận thức của cán bộ, công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị cơ sở có sự chuyển biến tích cực, xem đây là trách nhiệm, là động lực để xây dựng các mục tiêu nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới được cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch thực hiện của từng đơn vị một cách thiết thực, hiệu quả. Qua triển khai, đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân về vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm, từ đó tích cực tham gia đóng góp vật chất, ngày công lao động, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa thôn,...thực hiện các công trình phần việc ở địa phương, hộ gia đình, đặc biệt là khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước.
Cán bộ, công chức xã Đại Phú, trường Mầm non Đại Phú cùng nhân dân tham gia sửa chữa nhà ở cho ông Hoàng Văn Cạnh, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương)
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí của xã đạt chuẩn nông thôn mới, UBND tỉnh đã đề nghị HĐND tỉnh quyết nghị một số giải pháp như: Hỗ trợ thêm nguồn vốn cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới trong năm 2024 - 2025, xã thuộc các huyện trong lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới; bổ sung nguồn lực hỗ trợ các địa phương đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số công trình giao thông, nhà văn hóa, trạm y tế đã xuống cấp theo thời gian để hoàn thiện các tiêu chí, bảo đảm đủ các điều kiện công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới theo đúng quy định.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan liên quan chủ động lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch khác để đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện chương trình nông thôn mới cũng như thực hiện việc duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn. UBND huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đảm bảo hoàn thành kế hoạch chương trình đã đề ra; xây dựng kế hoạch nội dung, nhiệm vụ thực hiện cụ thể trong việc duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn; đồng thời chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách cấp huyện và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí…
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025: Có thêm 02 huyện (Hàm Yên, Sơn Dương) được công nhận huyện nông thôn mới, có thêm 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30% xã đạt chuẩn “xã nông thôn mới nâng cao”; 10% xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới kiểu mẫu./.
Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh