Tuyên Quang khơi dậy tiềm năng du lịch: Giữ gìn di sản, phát triển bền vững

23/04/2025 - 10:39
320
Cỡ chữ:

Trong nhịp phát triển sôi động của đất nước khi ngành du lịch ngày càng khẳng định vị thế là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế, các địa phương trên cả nước đều chủ động tìm hướng đi riêng, phát huy tối đa tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch. Đối với Tuyên Quang - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, từng được biết đến là “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô Kháng chiến”, tỉnh anh hùng - việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên gắn với phát triển du lịch bền vững không chỉ là xu thế tất yếu, mà là con đường phù hợp để nâng cao vị thế, hình ảnh của tỉnh trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Giá trị lịch sử - di sản vô giá cần được đánh thức

Nhắc đến Tuyên Quang, không thể không nhắc đến Tân Trào - vùng đất lịch sử từng chứng kiến những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Với hệ thống di tích cách mạng dày đặc, trong đó nổi bật là Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, địa điểm làm việc của các Bộ, ngành Trung ương… nơi đây không chỉ là địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn của bao thế hệ người Việt, mà còn ẩn chứa những tiềm năng vô tận cho phát triển loại hình du lịch văn hóa - lịch sử.

Cùng với đó, khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình, với hồ nước ngọt lớn, những cánh rừng nguyên sinh, suối thác hùng vĩ, cùng hệ động thực vật phong phú và nền văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày, Dao, H’Mông, Pà Thẻn… cũng là “viên ngọc xanh” đã và đang tiếp tục được đánh thức.

Phụ nữ Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) dệt thổ cẩm truyền thống

Nhận thức rõ giá trị di sản và lợi thế sẵn có, những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển du lịch, trong đó có các sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử kết hợp với trải nghiệm sinh thái, cộng đồng. Đó không chỉ là giải pháp phát triển kinh tế du lịch mà còn là cách thiết thực để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang dần mai một theo thời gian.

“Chiến khu xưa - Trải nghiệm mới” và “Hành trình khám phá” -  Hướng mở cho du lịch địa phương

Những ngày này, vùng đất Tân Trào, Sơn Dương và Na Hang - Lâm Bình đang rộn ràng chuẩn bị cho sự kiện công bố, ra mắt hai sản phẩm du lịch mới: “Chiến khu xưa - Trải nghiệm mới” và “Hành trình khám phá” dự kiến diễn ra vào ngày 25/4 và 28/4 tới. Đây được xem là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của Tuyên Quang năm 2025. Không chỉ đơn thuần là một hoạt động du lịch, sự kiện còn mang ý nghĩa đặc biệt về văn hóa - chính trị, thể hiện sự chuyển mình trong tư duy khai thác giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế địa phương.

Ông Ma Văn Định, người dân xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) hồ hởi chia sẻ: “Chưa khi nào du lịch ở quê tôi lại được quan tâm thế này. Chúng tôi rất vui khi làng bản được chỉnh trang, di tích được đầu tư tu sửa, người dân được tham gia vào làm du lịch, hướng dẫn du khách cấy lúa, bắt cá, tổ chức đám cưới Tày. Không chỉ có thêm thu nhập mà còn tự hào vì giữ được nghề, giữ được phong tục của cha ông.”

Câu chuyện của Ông Định cũng là tâm tư chung của nhiều người dân vùng ATK xưa. Bởi họ hiểu rằng, di sản không thể sống nếu chỉ được trưng bày mà phải được gìn giữ bằng đời sống thực tế, bằng chính bàn tay, hơi thở của cộng đồng bản địa.

Điểm nhấn của sự kiện là sản phẩm “Chiến khu xưa - Trải nghiệm mới” - một hành trình kết nối lịch sử và hiện tại, khi du khách không chỉ đến để nghe kể chuyện quá khứ, mà còn được sống lại trong không gian xưa bằng các hoạt động trải nghiệm thực tế như: đi xe đạp khám phá di tích, cày bừa, cấy lúa, thi bắt cá, tham dự đám cưới truyền thống dân tộc Tày, xay thóc, giã gạo, dệt vải… Những điều vốn tưởng chỉ còn trong ký ức người già nay được tái hiện sinh động, đầy sức sống.

Bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững: Hai trụ cột song hành

Nếu như Tân Trào là nơi gìn giữ quá khứ, thì Na Hang - Lâm Bình lại là “viên ngọc xanh” của núi rừng, nơi hội tụ đủ non nước hữu tình, bản sắc dân tộc và hệ sinh thái nguyên sơ. Việc ra mắt tuyến du lịch “Hành trình khám phá” lần này không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm mà còn tạo cơ hội để cộng đồng bản địa phát triển sinh kế từ chính mảnh đất quê hương.

Vẻ đẹp huyền bí của lòng hồ sinh thái Na Hang làm mê đắm không biết bao nhiêu du khách khi đến nơi đây

Chị Hoàng Thị Xuyến, chủ homestay ở Bản Bung (Na Hang) chia sẻ: “Trước đây, chỉ vài đoàn khách lẻ đến chụp ảnh, nhưng từ khi có tour chính thức và được tập huấn kỹ năng du lịch cộng đồng, bà con trong bản háo hức lắm. Chúng tôi được học cách làm cơm nắm, nấu rượu men lá, đan lát, đón khách ngủ nhà sàn. Người già kể chuyện cổ tích, hát Then, người trẻ dẫn đường, chèo thuyền. Nhờ vậy mà du lịch trở thành nguồn thu đáng kể cho nhiều gia đình. Chính những trải nghiệm chân thật ấy mới làm nên sức hấp dẫn cho du lịch cộng đồng, để du khách không chỉ đến mà còn nhớ, còn muốn quay lại."

 “Hành trình khám phá” tại Na Hang - Lâm Bình mở ra cánh cửa tới thiên nhiên kỳ thú và nét văn hóa bản địa nguyên sơ. Du khách sẽ được tham quan vườn hoa, mô hình nông nghiệp sạch Bản Bung, cây Nghiến di sản, khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung với suối đá đỏ, rừng chè cổ thụ, cây Lim Tứ Trụ, thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Dao và khám phá hang Bó Kim huyền bí.

Điểm đặc biệt của các sản phẩm du lịch lần này là cách tiếp cận hiện đại trong bảo tồn và khai thác di sản. Thay vì giữ di tích và văn hóa truyền thống trong không gian tĩnh, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động biến di sản trở thành một phần của các trải nghiệm du lịch. Từ không gian sinh hoạt cổ truyền đến tập quán canh tác nông nghiệp, từ các trò chơi dân gian đến lễ cưới truyền thống dân tộc Tày… đều được phục dựng, tái hiện theo cách vừa tôn trọng giá trị nguyên bản, vừa phù hợp với thị hiếu trải nghiệm của du khách hiện đại.

Cách làm này không chỉ giúp lan tỏa giá trị di sản trong cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào quê hương trong thế hệ trẻ mà còn giúp người dân bản địa trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ du lịch. Qua đó, người dân chính là những “người giữ hồn di sản”, đồng thời là những đại sứ du lịch, từng bước nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa, lịch sử trong phát triển kinh tế - xã hội.

Sự kiện công bố, ra mắt sản phẩm du lịch lần này không chỉ là khởi động cho Năm Du lịch Tuyên Quang 2025 mà còn là dấu mốc quan trọng trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2030. Đây cũng là thông điệp rõ ràng về một Tuyên Quang năng động, hội nhập, biết khai thác hợp lý tiềm năng di sản và cảnh quan thiên nhiên cho phát triển bền vững, đồng thời giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc.

Trong tương lai không xa, Tuyên Quang sẽ không chỉ được biết đến là “Thủ đô Khu giải phóng”, mà còn là điểm đến du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử hàng đầu khu vực miền núi phía Bắc. Hơn hết, mỗi người dân nơi đây sẽ vừa là người giữ hồn di sản, vừa là người đồng hành với quê hương trên hành trình kiến tạo thương hiệu du lịch Tuyên Quang bền vững và riêng có.

Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang