Tăng trưởng ấn tượng
Trong bức tranh tổng thể kinh tế quý I của tỉnh, khu vực Công nghiệp - Xây dựng tiếp tục có những bước tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng 13,15%, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung là 4,21 điểm phần trăm. Cụ thể: ngành công nghiệp tăng 14,55% với mức đóng góp 3,39 điểm phần trăm, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng cao nhất với 12,93%, đạt 25,3% kế hoạch; ngành khai khoáng tăng 12,86%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 24,38%…
Lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng đang chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ nhờ vào việc triển khai hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông, đô thị và nông thôn. Các tuyến đường giao thông huyết mạch được nâng cấp và xây mới, các khu đô thị hiện đại dần hình thành, cùng với đó là các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện... được xây dựng đang từng bước thay đổi diện mạo của tỉnh.
Quý I, Công ty TNHH MSA-YB, Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) xuất khẩu vào thị trường các nước EU đạt 30% kế hoạch.
Việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đi lại mà còn kích thích các ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là bất động sản và dịch vụ liên quan. Sự phát triển của hạ tầng là yếu tố then chốt để Tuyên Quang tiếp tục thu hút đầu tư và duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Trong quý I/2025, tỉnh đã có thêm 4 dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động, bao gồm: Nhà máy sản xuất giày dép thể thao và giày lười cao cấp; Nhà máy sản xuất gia công chế tạo đồ chơi thú bông; Dự án đầu tư xây dựng đường dây và Trạm biến áp 110 kV Tuyên Quang 2; Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang với tổng vốn đầu tư trên 774,9 tỷ đồng.
Ông Trần Vũ Quang, cán bộ quản lý dự án Công ty TNHH Erex Sakura Tuyên Quang chia sẻ: Môi trường đầu tư tại Tuyên Quang ngày càng được cải thiện, từ cắt giảm thủ tục hành chính cho đến hỗ trợ về cơ sở hạ tầng… Điều này đã giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài, tiếp tục đầu tư thêm dự án tại Tuyên Quang.
Có thể thấy, kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong quý I phản ánh hiệu quả các nhóm giải pháp đã được tỉnh đề ra để thực hiện ngay từ đầu năm, trọng tâm là: Đẩy nhanh tiến độ thành lập và triển khai xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch; tiếp tục kêu gọi, khuyến khích, lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực đầu tư và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để có mặt bằng cơ sở hạ tầng, tăng tỷ lệ đất công nghiệp tạo thuận lợi để thu hút các dự án vào đầu tư, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; phối hợp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mà tỉnh có lợi thế; thực hiện thu hút đầu tư phát triển nguồn năng lượng: Thủy điện, năng lượng sinh khối, năng lượng mặt trời, các dạng năng lượng khác từ các nước có nền công nghiệp phát triển, công nghệ tiên tiến, hiện đại trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng
Theo các nhà quản lý, mặc dù bức tranh kinh tế quý I của tỉnh có nhiều điểm sáng, song vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt là hạn chế liên quan đến tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với một số dự án; việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 còn chậm; thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu đề ra. Ngoài ra, kinh tế thế giới dự báo có nhiều rủi ro, thách thức tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế của nước ta cũng như của tỉnh… Tạo ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đề ra mục tiêu tăng trưởng 10,05%. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cũng như thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 21/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1713/UBND-THVX chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm.
Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND huyện, thành phố: Chủ động xử lý, giải quyết hiệu quả, kịp thời theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp, nhất là về cơ chế, chính sách theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả".
Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của tỉnh để phát huy tối đa nguồn lực của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước nói riêng và khu vực doanh nghiệp nói chung phát triển, bứt phá, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cũng cho biết thêm: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đảm bảo nguồn nguyên liệu, cung cấp điện ổn định phục vụ sản xuất để duy trì 100% công suất của các nhà máy hiện có, đặc biệt đối với các nhà máy có giá trị sản xuất công nghiệp lớn; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành các dự án sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu đô thị, dự án dịch vụ, thương mại có dự kiến số thu ngân sách lớn…/.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh