Đồng chí Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Thiệt hại do cơn bão số 3 và xả lũ của thủy điện Tuyên Quang từ ngày 8 đến 12/9, gây ngập lụt, hư hỏng và thiệt hại nặng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nhiều vị trí bị sạt lở taluy dương, taluy âm, đứt đường, sụt lở tứ nón cầu, đất đá trôi lấp, xói lở lòng cống, rãnh, lề, mặt đường. Cụ thể, có 235 vị trí taluy dương đất đá trôi lấp cống, rãnh, mặt đường với khối lượng ước khoảng 107.000 m3. Sạt taluy âm khối lượng ước khoảng 378 m dài. Mặt đường hư hỏng bị đẩy trồi, lún nứt 1.360 m2; rọ thép taluy dương bị đẩy trồi 60 m; xói lở hư hỏng rãnh xây, lề gia cố ước khối lượng khoảng 613 m dài. Ngập tràn, ngập mặt đường 44 vị trí; sụt lở tứ nón cầu Vạc QL.37 và cầu Đổng 3 QL.2C; rác, cây trôi... mắc vào trụ cầu cầu Nông Tiến, TP Tuyên Quang 3 trụ; cầu Sơn Dương, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương 3 trụ. Tổng thiệt hại sơ bộ ước tính trên 80 tỷ đồng. 365 điểm bị sạt lở, ách tắc giao thông, tại các huyện, thành phố, ước tính giá trị thiệt hại khoảng trên 40 tỷ đồng; hư hỏng 8 cầu nông thôn tại huyện Chiêm Hóa, thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng…
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải kiểm tra cầu Lăng Đén, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) bị sạt lở đường dẫn do mưa lũ.
Để ứng phó với cơn bão số 3 và hoàn lưu bão, kịp thời khắc phục thiệt hại về giao thông, ngành đã xây dựng phương án cụ thể và chuẩn bị 10 máy đào, xúc, 20 ô tô vận chuyển các loại và hơn 80 cán bộ công nhân viên thường trực 24/24 giờ. Đồng thời, có phương án dự phòng 20 máy đào, xúc, 40 ô tô vận chuyển các loại để kịp thời ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai khẩn cấp. Chủ động trong công tác khắc phục sạt lở. Đến nay, cơ bản các tuyến đường huyết mạch của tỉnh đã thông tuyến.
Hiện, ngành Giao thông vận tải và các huyện, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo nhà thầu bảo dưỡng bố trí nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu triển khai các công việc liên quan đến công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông theo quy định. Các đơn vị tập trung hót dọn ngay phần đất, đá lấp trôi lấp mặt đường, rãnh dọc, lề đường bảo đảm việc thoát nước, không để nước từ rãnh dọc chảy tràn qua mặt đường gây hư hỏng kết cấu nền, mặt đường, công trình; phát dọn cây cối đổ ra đường, vệ sinh mặt đường, mặt tràn; khơi thông rãnh dọc, cống thoát nước, căng dây rào chắn, cắm biển báo hiệu tạm thời hai đầu đoạn tuyến xảy ra sự cố sạt lở, hư hỏng công trình đường bộ... trực chốt tại các vị trí tràn hoặc đường ngập, úng.
Đồng thời kiểm tra, tuần đường để nắm tình hình, để chủ động xử lý, khắc phục thiệt hại có thể xảy ra do mưa lũ tại các huyện, thành phố đảm bảo kịp thời, an toàn. Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo việc kiểm tra, rà soát, thống kê cụ thể các thiệt hại, chủ động bố trí kinh phí để khắc phục thiệt hại về kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương theo quy mô cấp đường hiện tại.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, tuyến Quốc lộ 2 đoạn qua huyện Na Hang có hàng chục điểm sạt lở, tuy nhiên đã được khắc phục ngay. Anh Lã Chí Quân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đông Bắc cho biết: Đơn vị thực hiện nâng cấp 12 km tuyến QL.2C qua huyện Na Hang nên khi trên tuyến có điểm sạt lở đơn vị đã huy động nhân công, máy móc khắc phục tạm thời ngay trong mưa bão, đảm bảo đường thông suốt. Tuy nhiên, lượng đất sạt lở lớn nên hiện nay đơn vị vẫn đang tiếp tục khắc phục để khôi phục lại hiện trạng.
Đến nay, nhờ những nỗ lực của ngành Giao thông, các huyện, thành phố… cơ bản các tuyến đường huyết mạch của tỉnh đã khắc phục thông tuyến, đáp ứng nhu cầu lưu thông an toàn trên tất cả các tuyến đường.
Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh