Từ ngày 6/9 đến ngày 10/9/2024, tỉnh Tuyên Quang hứng chịu đợt mưa lớn do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 3, dẫn đến mực nước các con sông lớn như sông Lô-Gâm, sông Phó Đáy tăng đột ngột. Lượng mưa lớn cùng với việc xả lũ từ thủy điện Tuyên Quang đã gây ngập úng trên diện rộng, đặc biệt tại các vùng trũng thấp và ven sông suối, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản.
Đáng chú ý, vào ngày 10/9/2024, tình trạng khẩn cấp xảy ra tại hồ thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái. Việc nước về hồ vượt ngưỡng an toàn đã buộc địa phương phải thực hiện di dời khẩn cấp 692 hộ dân từ các xã Mỹ Bằng, Nhữ Hán, và Nhữ Khê (huyện Yên Sơn) đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, đoạn đê sông Lô tại xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương bị vỡ vào tối ngày 11/9/2024. Chính quyền đã ngay lập tức huy động lực lượng, máy móc để khắc phục, nhưng do thời tiết và lưu lượng nước lớn, công tác ứng cứu gặp nhiều khó khăn.
Từ ngày 10/9 đến sáng 11/9, toàn bộ thành phố Tuyên Quang đã bị ngập trong nước lũ. Đây là lần ngập lụt kỷ lục tại thành phố Tuyên Quang sau 20 năm
Thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản
Theo báo cáo cập nhật đến ngày 24/9/2024, toàn tỉnh Tuyên Quang đã ghi nhận 5 người thiệt mạng do ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai. Các trường hợp tử vong chủ yếu là do lũ quét, lũ ống và sạt lở đất tại các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, và thành phố Tuyên Quang.
Không chỉ gây mất mát về con người, bão số 3 còn làm thiệt hại lớn về nhà cửa và cơ sở hạ tầng. Có tới 72 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, hơn 64 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, và 47 ngôi nhà khác chịu thiệt hại đáng kể. Hơn 19.000 ngôi nhà bị ngập lụt, gây hư hỏng nghiêm trọng về trang thiết bị gia đình, đặc biệt là tại các khu vực thuộc thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn và Sơn Dương.
Về nông nghiệp, diện tích lúa và hoa màu bị ngập lụt là hơn 18.500 ha, trong đó có hơn 5.000 ha lúa và 12.890 ha ngô, rau màu chịu thiệt hại trực tiếp. Hơn 900 ha cây lâm nghiệp bị đổ gãy, cùng với đó là thiệt hại nặng nề về gia súc, gia cầm và thủy sản.
Cơ sở hạ tầng giao thông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với hàng trăm điểm sạt lở, hư hỏng trên các tuyến quốc lộ và đường giao thông địa phương. Một số cây cầu liên thôn, công trình thủy lợi và hệ thống nước sạch cũng bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng.
Ngay sau khi bão đổ bộ, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai hàng loạt biện pháp ứng phó kịp thời. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đã vào cuộc nhanh chóng, thực hiện di dời hàng ngàn hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm, trong đó có hơn 4.600 hộ đã được đưa đến nơi an toàn.
Cùng với việc bảo vệ tính mạng người dân, tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn, quân đội và công an tăng cường kiểm soát tình hình, đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực ngập lụt và sạt lở. Đặc biệt, các điểm sạt lở đê điều, hư hỏng công trình công cộng như cầu, kè đã được sửa chữa, khắc phục bước đầu để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện qua lại.
Trong lĩnh vực giáo dục, các trường học cũng nhanh chóng cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Các đơn vị thông tin truyền thông trong tỉnh tăng cường thời lượng phát sóng, cập nhật liên tục diễn biến của bão và mưa lũ, từ đó giúp người dân có thông tin kịp thời và chủ động hơn trong việc phòng tránh.
Nỗ lực hỗ trợ và khắc phục hậu quả
Để khắc phục hậu quả sau bão lũ, Tỉnh đã triển khai chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố tập trung toàn lực cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Nhiều đoàn công tác đã được thành lập để kiểm tra, chỉ đạo và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương, lĩnh vực trọng yếu. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công an và quân đội đã được huy động, tham gia vào công tác cứu hộ và khắc phục thiệt hại do mưa lũ trên toàn tỉnh.
Không chỉ tập trung vào công tác ứng phó, tỉnh Tuyên Quang còn đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão. Đến ngày 24/9/2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức xã hội đã tiếp nhận trên 82 tỷ đồng và hơn 328 tấn nhu yếu phẩm từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ cho người dân vùng bị thiên tai.
Các hoạt động khắc phục hậu quả môi trường, vệ sinh và phòng chống dịch bệnh cũng được triển khai đồng bộ. Nhiều lực lượng đã tham gia dọn dẹp, tiêu trùng, khử độc và xử lý rác thải để đảm bảo môi trường sống an toàn cho người dân sau lũ.
Huy động tối đa lực lượng tham gia hỗ trợ Nhân dân ứng phó với thiên tại và khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra
Dự báo thời gian tới, thời tiết còn nhiều diễn biến khó lường, tỉnh Tuyên Quang đã lên kế hoạch tiếp tục rà soát, sửa chữa các công trình hạ tầng bị thiệt hại, đặc biệt là các công trình thủy lợi, đê điều và hệ thống đường giao thông. Đồng thời, các khu vực bị sụt lún, sạt lở sẽ được đánh giá mức độ an toàn trước khi người dân được phép trở về sinh sống.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở và đất tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt là những hộ dân đã di dời do nguy cơ thiên tai. Công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản cũng là một ưu tiên để đảm bảo sinh kế cho người dân trong thời gian tới.
Cơn bão số 3 đã để lại những hậu quả nặng nề, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và tinh thần đoàn kết, nỗ lực của toàn thể nhân dân, tỉnh đã từng bước vượt qua khó khăn và nhanh chóng khôi phục lại cuộc sống bình thường. Điều này không chỉ là minh chứng cho sức mạnh và sự kiên cường của người dân Tuyên Quang mà còn thể hiện rõ vai trò quan trọng của chính quyền địa phương trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh