Cơ sở vật chất phục vụ việc học tập cho các bé chuẩn bị vào lớp 1 tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Tuyên Quang) được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo môi trường học tập thuận lợi, giúp các em phát triển toàn diện về kỹ năng và tư duy ngay từ những năm đầu đời.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu duy trì và phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm mọi trẻ em đều được tiếp cận giáo dục mầm non. Đồng thời, chú trọng phát triển mạnh hệ thống GDMN ngoài công lập tại những khu vực có điều kiện, nâng cao tỷ lệ trẻ đi nhà trẻ và tăng cường chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh sẽ duy trì 100% nhóm, lớp mầm non học hai buổi/ngày; đảm bảo tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi dưới 5%, trong khi tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì được kiểm soát dưới 1%. Cùng với đó, phấn đấu có ít nhất 68,5% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt từ 58% trở lên, từng bước xóa bỏ các phòng học tạm, phòng học nhờ.
Kế hoạch nhấn mạnh mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Dự kiến, 99% giáo viên đạt trình độ cao đẳng sư phạm trở lên; 92% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp từ mức khá trở lên. Tất cả giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán sẽ được tham gia các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường, lớp theo hướng hợp lý, đảm bảo hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất. Việc bổ sung thiết bị, đồ chơi, đồ dùng dạy học tối thiểu sẽ được ưu tiên tại các khu vực vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.
Về kiểm định chất lượng giáo dục, 100% trường mầm non hoàn thành tự đánh giá, trong đó có 77% số trường mầm non trở lên được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Với mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đảm bảo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ em trước khi bước vào bậc tiểu học. Đồng thời, từng bước chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hướng tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển giáo dục mầm non trong giai đoạn tiếp theo.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em mầm non. 100% cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức bữa ăn học đường, trong đó trẻ được sử dụng sữa hoặc sản phẩm từ sữa theo hình thức tự nguyện. Công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý cho trẻ cũng được chú trọng. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ trẻ được ăn bán trú tại trường, đặc biệt là trẻ nhà trẻ, với mục tiêu ít nhất 95% trẻ được ăn trưa tại trường. Các bữa ăn sẽ được quản lý chặt chẽ, đảm bảo tiêu chuẩn dinh dưỡng theo quy định.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch, tỉnh Tuyên Quang sẽ huy động tối đa các nguồn lực tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và tăng cường hợp tác quốc tế. Các chính sách khuyến khích phát triển GDMN ngoài công lập sẽ tiếp tục được triển khai, nhằm thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào sự nghiệp giáo dục mầm non...
Xem chi tiết kế hoạch tại đây./.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh