Lực lượng Cảnh sát Giao thông huyện Na Hang làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn
Một trong những điểm nổi bật trong 05 năm thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến trật tự an toàn giao thông (TTATGT) được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Các cơ quan, ban ngành của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, báo chí để tuyên truyền các quy định về bảo đảm TTATGT, như Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và các nghị định hướng dẫn có liên quan.
Kết quả đạt được của các hoạt động tuyên truyền này là 680 buổi tuyên truyền về công tác bảo đảm TTATGT đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 464.000 đối tượng, bao gồm học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hơn 160 tin bài và phóng sự đã được xây dựng, đăng tải trên các phương tiện truyền thông trung ương và địa phương. Các hoạt động tuyên truyền trên fanpage và Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh cũng đã thu hút hàng chục triệu lượt tiếp cận, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về TTATGT.
Trong giai đoạn từ 01/01/2020 đến 31/7/2024, lực lượng chức năng trên toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 113.956 trường hợp vi phạm giao thông. Trong đó, đã tạm giữ hơn 24.000 phương tiện, chủ yếu là xe mô tô, và xử phạt hơn 100.000 trường hợp với tổng số tiền thu nộp Kho bạc Nhà nước lên tới hơn 124 tỷ đồng.
Một số hành vi vi phạm phổ biến bao gồm: vi phạm quy định về nồng độ cồn (13.562 trường hợp), điều khiển xe có chất ma túy trong cơ thể (386 trường hợp), và vi phạm tốc độ (16.986 trường hợp). Đáng chú ý, các vi phạm này chiếm 60,9% trong tổng số vi phạm được phát hiện, gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông và là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên công tác thực hiện nghị định vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số điểm trong nghị định, như khoản 1, 5, 6 Điều 11 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc lập biên bản vi phạm hành chính do chưa có hướng dẫn cụ thể về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với người được chở trên xe.
Bên cạnh đó, việc xác minh, chứng minh là chủ phương tiện cũng gặp không ít trở ngại, đặc biệt là trong trường hợp chủ phương tiện là các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh vận tải. Nhiều doanh nghiệp chỉ thành lập để kinh doanh, bán phù hiệu vận tải và sau đó giải thể, khiến việc thi hành quyết định xử phạt trở nên khó khăn.
Từ những khó khăn và hạn chế nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đưa ra một số đề xuất và kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông. Cụ thể, cần xem xét tăng mức xử phạt đối với các hành vi như điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói, hoặc có nhưng không đảm bảo quy chuẩn về môi trường. Các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi xây dựng nhà ở trong phạm vi đất đường bộ cũng được khuyến nghị để đảm bảo an toàn giao thông.
Ngoài ra, báo cáo cũng đề nghị tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình tự quản về TTATGT, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực vào việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã chỉ ra những kết quả tích cực trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giảm thiểu tai nạn giao thông và góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực giao thông. Mặc dù vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, nhưng với những biện pháp cải thiện và sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới, góp phần bảo đảm an toàn giao thông cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh