Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Mục đích ban hành Kế hoạch nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL với trọng tâm hướng tới bảo vệ quyền con người, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và kinh doanh, nâng cao chỉ số cải cách thể chế trong bộ chỉ số cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý những văn bản có nội dung trái pháp luật, không còn phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
UBND tỉnh yêu cầu công tác xây dựng văn bản QPPL phải kịp thời triển khai thi hành Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục; tiến độ, chất lượng. Nội dung văn bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và khả thi.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, kế hoạch bao gồm các nội dung chính như sau:
Quán triệt, triển khai, tổ chức thi hành các văn bản của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế, kịp thời tham mưu thể chế hóa đầy đủ các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thuộc thẩm quyền ban hành của chính quyền địa phương. Thi hành nghiêm, hiệu quả Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi) ngay sau khi được Quốc hội thông qua. Thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của chính quyền địa phương và thi hành pháp luật. Đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, tập trung kiểm soát quyền lực nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Trong công tác xây dựng văn bản QPPL, việc lập danh mục, soạn thảo và ban hành các văn bản QPPL phải được thực hiện đúng trình tự và tiến độ. Nâng cao chất lượng tham gia ý kiến, phản biện xã hội, chất lượng đề xuất xây dựng chính sách, đồng thời quan tâm thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng. Kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, bảo đảm cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân, doanh nghiệp
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, kiểm tra văn bản theo địa bàn, chuyên đề, ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận theo đúng quy định.
Chú trọng ứng dụng công nghệ số trong xử lý thông tin và phản ánh các vướng mắc về văn bản pháp luật. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vướng mắc trong hệ thống văn bản QPPL” ngay sau khi được phê duyệt. Rà soát, công bố Danh mục văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần; Danh mục văn bản QPPL do HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực trong năm 2024.
Thường xuyên cập nhật mới và cập nhật bổ sung thuộc tính của văn bản QPPL do HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành lên “Cơ sở dữ liệu văn bản QPPL tỉnh Tuyên Quang” thuộc “Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật”, tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được thuận tiện trong việc tra cứu, góp phần công khai, minh bạch hệ thống văn bản QPPL của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn, khai thác sử dụng Bộ Pháp điển để đáp ứng việc tiếp cận, tìm hiểu, sử dụng pháp luật của người dân, tổ chức...
Xem chi tiết kế hoạch tại file đính kèm.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh