Ứng dụng công nghệ số, hướng tới nông thôn mới thông minh

03/04/2025 - 08:12
384
Cỡ chữ:

Chuyển đổi số trên các lĩnh vực đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới thông minh trở thành xu thế tất yếu, bắt nhịp xu hướng này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng ứng dụng vào phát triển sản xuất, kinh doanh…

Những nông dân số

Phát trực tiếp (livestream) trên các mạng xã hội để quảng bá sản phẩm là hoạt động quen thuộc tại gian bán hàng của HTX thổ cẩm Lâm Bình, huyện Lâm Bình từ nhiều năm nay. Những tấm chăn, khăn dệt thủ công truyền thống tinh xảo của người Tày, chiếc túi xách, mũ, đồ lưu niệm trang trí thổ cẩm đầy màu sắc của người Dao… đều được giới thiệu trong phiên livestream, để người xem có thể tương tác trực tiếp, trao đổi mua và nhận hàng nhanh chóng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang thăm mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Sơn Dương.

Chị Nguyễn Thị Yêu, Giám đốc HTX thổ cẩm Lâm Bình cho biết: HTX có 30 thành viên là các chị em trong xã. Trước đây, chưa biết ứng dụng công nghệ thì việc quảng bá, bán hàng cũng có nhiều hạn chế. Tuy nhiên, từ ngày ứng dụng các kênh trực tuyến và mạng xã hội đã việc bán hàng đã thuận lợi hơn. Qua mạng xã hội khách có thể xem mọi mẫu mã và mua hàng bất cứ lúc nào. Hiện, các sản phẩm HTX làm ra được bán đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Với đầu ra cho sản phẩm ổn định, chị em trong HTX cũng có thu nhập từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.

Mùa hoa lê năm nay, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang đón một lượng khách rất lớn, gấp nhiều lần những mùa hoa trước. Ông Đặng Xuân Cường, Trưởng thôn Khau Tràng cho biết: Thống kê sơ bộ, lượng khách đến với thôn ước tính khoảng 600 - 700 người/ngày, vào những ngày cuối tuần ước tính lượng khách tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần, tăng gấp nhiều lần so với những mùa hoa lê trước.

Ông Cường khoe, để có được thành công đó, ngoài công tác tuyên truyền, quảng bá của huyện, của tỉnh, thì người dân Khau Tràng cũng là một trong những kênh truyền thông vô cùng hiệu quả mang hình hoa lê đi xa. Thay vì chỉ biết lên nương trồng cây ngô, cây lúa, đào cây măng rừng, dân bản giờ đã làm chủ công nghệ để phát triển kinh tế.

Chị Đặng Thị Nhung, dân tộc Dao, thôn Khau Tràng, một trong những người tiên phong của thôn trong quảng bá du lịch địa phương trên nền tảng công nghệ số chia sẻ: Trước đây, muốn quảng bá hoa lê, chúng tôi chỉ có thể chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội. Nhưng giờ đây, livestream giúp chúng tôi truyền tải hình ảnh và âm thanh chân thực hơn. Mọi người có thể cảm nhận được vẻ đẹp của hoa lê, không khí lễ hội ngay tại nhà.

Chị Nhung bảo: Những video livestream “cây nhà lá vườn” không chỉ giúp quảng bá hình ảnh hoa lê quê chị mà còn mang lại hiệu quả kinh tế bất ngờ. Nhiều du khách sau khi xem livestream đã quyết định đến tận nơi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa lê, trải nghiệm lễ hội, lưu trú lại địa phương.

Bà Tôn Nữ Nam Phương, du khách đến từ thành phố Huế hào hứng cho biết: “Tôi biết đến lễ hội hoa lê qua một video livestream trên Facebook. Những hình ảnh hoa lê trắng muốt, những điệu múa truyền thống đã thôi thúc tôi đến đây. Và tôi không hề thất vọng, vẻ đẹp ở đây còn tuyệt vời hơn cả trên video”.

Nhờ đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng số nên ngày càng đông du khách biết và đến với xã Hồng Thái để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa lê.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khẳng định: Những người nông dân giờ đã khác trước rất nhiều, họ đã nhanh nhạy làm chủ được công nghệ, khai thác, ứng dụng thành thạo vào hoạt động sản xuất, mang lại hiệu kinh tế quả cao. Và chính những nông dân số này đang hình thành một cộng đồng làng, xã thông minh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Cơ hội và thách thức

Chuyển đổi số đang tạo ra cuộc cách mạng nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động của con người, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vốn vẫn được coi là vùng lõm của sự phát triển. Tuy nhiên, việc xây dựng làng thông minh, xã thông minh cũng đặt ra nhiều thách thức. Đó là sự chênh lệch về trình độ công nghệ giữa các vùng miền, hạ tầng công nghệ thiếu đồng bộ, sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và vấn đề an ninh mạng...

Đồng chí Triệu Văn Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái (Na Hang) thừa nhận: Công nghệ số đang tạo ra bước chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên vẫn có cái khó để Hồng Thái bứt phá đó là: Địa hình hiểm trở việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin có phần hạn chế, thêm vào đó là trình độ nhận thức, đời sống kinh tế của đồng bào chưa đồng đều nên việc đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ vào hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân sẽ là khó khăn.

Không riêng Hồng Thái, tại những xã khu vực nông thôn, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phát triển tuy nhiên lại thiếu nguồn nhân lực có chất lượng. Theo đồng chí Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh (Hàm Yên) chia sẻ: Lực lượng lao động trẻ có kiến thức, làm chủ được công nghệ lại thường không ở lại quê, con đường họ chọn là đi làm việc ở thành phố và các khu công nghiệp. Nên xây dựng những làng thông minh hay nói cụ thể là phát triển những mô hình nông nghiệp thông minh của xã sẽ bị hạn chế.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho rằng: Để vượt qua những thách thức này, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng và doanh nghiệp. Cần đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ công nghệ cho người dân nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, đảm bảo an ninh mạng...

Xây dựng nông thôn mới thông minh là giải pháp để thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa- xã hội của người dân khu vực nông thôn, từ đó góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, góp phần xây dựng một nền nông thôn hiện đại, bền vững.

Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang