Ðối với người dân, đồng vốn chính sách ưu đãi cũng đã giúp bà con có nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình. Chị Trần Thị Thúy ở thôn Gia, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) là một trong những hộ được tiếp cận với nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn số tiền là 50 triệu đồng. Với số tiền này, chị Thúy có thêm điều kiện để đầu tư mở rộng cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi phục vụ bà con và đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.
Ông Vũ Quang Đảm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ (Yên Sơn) bày tỏ, địa phương có tổng dư nợ trên 28 tỷ đồng, 558 hộ vay/16 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Công tác quản lý, thu nợ, thu lãi của địa phương được thực hiện tốt, không có nợ quá hạn, năm 2023 các tổ tiết kiệm và vay vốn của xã đều xếp loại tốt, khá; không có tổ xếp loại trung bình. Xã hiện có 374 hộ là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận vay vốn với số tiền gần 11 tỷ 300 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay đã góp phần tích cực cùng với địa phương thực hiện thành công các tiêu chí quan trọng như: Thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt vốn giải quyết việc làm góp phần tăng thu nhập cho bà con.
Chị Vương Thị Lý (đứng bên phải) ở xã Tiến Bộ (Yên Sơn) được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để đầu tư chăn nuôi trâu bò.
Ngoài việc thực hiện tốt các chương trình tín dụng, giải ngân nguồn vốn vay, Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn còn phối hợp với chính quyền các địa phương thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng điểm giao dịch, tổ giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn hoạt động ủy thác của các tổ chức hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn. Do đó, đơn vị không có tình trạng khách hàng nợ quá hạn, chất lượng tín dụng bảo đảm.
Hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH tại xã Tiến Bộ (Yên Sơn).
Theo ông Trương Việt Hoà, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn, năm 2023 tổng nguồn vốn và dư nợ của Phòng Giao dịch đạt trên 826 tỷ đồng với 15.223 hộ khách hàng, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ đạt gần 16%. Chất lượng hoạt động của tổ TK&VV được nâng lên, toàn huyện có 455 Tổ TK&VV, trong đó Tổ TK&VV xếp loại tốt chiếm tỷ lệ 99%. Bên cạnh đó, Phòng Giao dịch đã tích cực tham gia công tác chuyển đổi số, trong năm đã kích hoạt được gần 1 nghìn tài khoản sử dụng dịch vụ Mobile Banking. Chủ yếu khách hàng là các tổ tiết kiệm và vay vốn, như các hộ đoàn thể nhận ủy thác với sự nỗ lực đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan trong công tác chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến các đối tượng chính sách, đảm bảo lồng ghép có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội sát với tình hình thực tế các địa phương; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tập huấn và hướng dẫn người dân các kiến thức cơ bản về tài chính, ngân hàng, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, sử dụng vốn vay hiệu quả; khuyến khích người vay tham gia xây dựng các mô hình sản xuất, chuỗi liên kết, tổ hợp tác... phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh